Khi đam mê lên tiếng
This article is in Vietnamese. You may use Google translate to read it.
Khi đam mê lên tiếng
21/07/2012 10:35 GMT+7
– Có hai người trẻ tuổi đã quyết định từ bỏ một công việc vững chắc để ngoặt sang một con đường mới mẻ.
Bùi Việt Hà (bìa phải) và các đồng đội trong một chương trình của SốngXanh – Ảnh nhân vật cung cấp
Tôi chọn đam mê
Cách đây một năm, đang ở một vị trí rất tốt trong Công ty Dầu khí TNK Việt Nam B.V. (trước đây là Công ty Hoạt động thăm dò dầu khí BP), Hà đã xoay 360 độ sang các hoạt động môi trường – xã hội, một hướng đi hoàn toàn khác với nghề nghiệp anh đã theo đuổi hơn chục năm qua.
Lúc ấy con đường phát triển sự nghiệp của anh ở TNK đang rộng mở. Với hơn 13 năm kinh nghiệm trong nghề, Việt Hà là điển hình cho việc học và làm việc hợp với sở trường cũng như năng lực chuyên môn. Tốt nghiệp hai bằng đại học về khai thác máy tàu biển và kinh tế vận tải biển, Việt Hà bắt đầu công việc của mình ở bộ phận khai thác cảng. Sau đó, anh nhận được học bổng cao học ngành quản lý cảng biển ở Trường đại học Hàng hải thế giới (World Maritime University – Thụy Điển). Về nước, mọi việc tiến triển đúng theo những gì mà anh đã vạch ra và phấn đấu đạt được. Anh lần lượt đảm trách các vị trí khác nhau trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng tại Tập đoàn IKEA (Thụy Điển), sau đó chuyển sang Tập đoàn Dầu khí BP (Anh).
“Mơ ước làm điều gì đó cụ thể hơn cho môi trường, cho cộng đồng đã nhen nhóm trong tôi từ thời gian đi học tại Thụy Điển. Nhìn ý thức của họ về môi trường và phát triển bền vững, cách họ chăm sóc, nâng niu từng cành cây ngọn cỏ, tôi muốn Việt Nam cũng làm được như vậy, nhưng mọi thứ cứ trôi đi vì công việc bận rộn. Mãi cho đến cách đây gần hai năm, trong một chuyến công tác xa, tôi vào nhà sách sân bay và tìm được cuốn The power of social networking (Sức mạnh của mạng xã hội) của Tara Hunt về phát triển dựa vào sức mạnh cộng đồng như một xu hướng mới trên thế giới hiện nay. Tôi như bừng tỉnh! Mình có thể làm điều tương tự được không? Ý tưởng ra đời cho mạng xã hội SốngXanh.vn cũng một phần bắt đầu từ đó!” – anh Hà nhớ lại.
Nghĩ là làm, Việt Hà bắt tay vào hiện thực hóa mạng xã hội SốngXanh.vn, liên kết các cá nhân, tổ chức cùng phát triển hoạt động nhằm đạt hiệu quả sâu và rộng hơn cho các vấn đề con người, xã hội và môi trường. Tết năm 2011, Việt Hà gần như “cắm rễ” tại nhà, bỏ hết mọi thú vui lễ lạt để chạy đua lên kế hoạch, viết nội dung, thiết kế web, chăm chút từng chi tiết nhỏ để ra mắt trang web SốngXanh.vn. Hiện nay, SốngXanh.vn đang trong giai đoạn chuẩn bị để cho ra mắt một hội quán “xanh 100%” từ hình thức thiết kế, nội dung sản phẩm đến cách thức kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp xã hội và cách hoạt động giao lưu, hợp tác kết nối với các tổ chức xã hội môi trường.
Tháng 2-2012, nhận thấy SốngXanh.vn cần được chăm sóc và phát triển một cách nghiêm túc với các hoạt động cộng đồng thực tế nhiều hơn, Việt Hà quyết định nộp đơn xin nghỉ việc ở Công ty TNK Vietnam BV. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mức lương của anh từ ngàn đô đã chuyển xuống thành con số 0 tròn trĩnh. Nhưng với Hà, mọi thứ đều không quá nặng nề: “Đứng trước ngã ba với hai lối rẽ quá khác nhau, tôi nghĩ mình không thể đi trên cả hai hướng được. Và tôi chọn đam mê”.
Chị Kiều Phúc kể về Module 7 – Ảnh: vũ Thủy
Sống đời của ta
Làm việc ở Hãng hàng không Air France với mức lương cả ngàn đô, một con số trong mơ với bất kỳ ai vào thời điểm cách đây 12 năm, Phạm Thị Kiều Phúc đã khiến nhiều người té ngửa khi quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp thiết kế nội thất từ con số 0.
“Tôi may mắn vì đã dám từ bỏ vào lúc đó. Và giờ tôi hạnh phúc”, chị Kiều Phúc, chủ nhân của thương hiệu thiết kế nội thất Module 7 (Tây Hồ, Hà Nội), từng thiết kế nhà ở cho rất nhiều đại sứ nước ngoài ở Việt Nam, chia sẻ về những ngày đã qua.
Kiều Phúc học chuyên ngành tiếng Pháp. Với một cô sinh viên ngoại ngữ mới ra trường đang sấp ngửa đi xin việc, được nhận vào làm ở Air France thì sự nghiệp xem như đã ổn định. Phúc còn trẻ, làm rất giỏi, năng nổ, xông xáo và gần bảy năm sau chị là người nắm giữ tới 60% doanh số bán của Air France, chuyên phụ trách xử lý những nhóm khách hàng lớn.
“Nhưng cũng vào lúc ấy tôi chợt giật mình. Tôi tự nhủ đã chín năm trôi qua rồi sao mình vẫn chỉ ngồi đây bán vé máy bay!” – chị Phúc nhớ lại. Không suy nghĩ nhiều, chị nghỉ việc và bắt tay vào lĩnh vực thiết kế nội thất chỉ với một niềm đam mê sáng tạo.
Mọi người xung quanh đều nghĩ quyết định nghỉ việc của chị Kiều Phúc chỉ là do một phút bốc đồng là liều lĩnh không cần thiết. Nhưng chị bảo: “Tôi hiểu mình chứ. Tôi biết mình có gì, cần gì”. Chị Phúc kể ngay từ lúc còn làm tại Air France chị đã có duyên với thiết kế nội thất. Đó là những lần chị buột miệng góp ý phải xếp cái này thế này, xếp cái kia thế nọ khi sang chơi ở khách sạn Sheraton, Hilton. Mọi người để chị dựng thử và rất bất ngờ với ý tưởng của chị. Một lần khác chị đi tham quan phòng mẫu của một công ty chuyên thiết kế khách sạn và cũng “phán” vài câu rằng thiếu cái này, thiếu cái kia và họ cũng hào hứng với gợi ý từ vị khách “tay ngang”. Chị bắt đầu thích được bay bổng với những ý tưởng về sắp đặt và trang trí nội thất.
Chị hăm hở bắt tay vào công việc mới. Công trình đầu tiên của chị là cải tạo một quán bia thành một gallery. Chị Phúc đã khiến nhiều người ngạc nhiên với khiếu thẩm mỹ tinh tế của mình khi hô biến quán bia cũ kỹ, nhếch nhác thành một gallery ấn tượng. Thành công đến với chị không lâu sau đó. Chị nhận được lời đề nghị thiết kế nội thất cho ông Cesare Bieller, bí thư ĐSQ Ý phụ trách văn hóa, một người Ý với gu thẩm mỹ tinh tế và kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Gặp gỡ, trò chuyện với chị Phúc, ông quyết định để người phụ nữ này tự do thể hiện ý tưởng của chị trong ngôi nhà ông và đã rất hài lòng với những gì chị làm.
Kể từ đó đến nay chị Phúc đã có dịp làm việc với rất nhiều vị đại sứ Vương quốc Bỉ, Thụy Sĩ, Canada, Ý, Thụy Điển… Công việc mỗi ngày của chị giờ đây thay vì danh sách khách hàng dài ngoẵng là nuôi cho mình những ý tưởng đầy sáng tạo. “Cái giá phải trả cho đam mê không phải lúc nào cũng đắt. Quan trọng là mình có dám thay đổi hay không” – chị Phúc chia sẻ.